29 tháng 4, 2015

Việt Nam 40 Năm Dưới Chế Độ Cộng Sản (1975-2015) - THỜI KỲ II: 1985 – 1994


THỜI KỲ II: 1985 – 1994:
Liên Xô Sụp Đổ
Hà Nội Quay Sang Khấu Tấu Bắc Kinh.

Năm 1985 đã có một sự thay đổi lớn trong thế giới Cộng sản và tại Việt Nam.

Trước tình trạng phá sản của Liên Xô do cuộc chạy đua vũ trang không gian với Hoa Kỳ trong thập niên 70, Tổng bí thư Gorbachev của đảng CS Liên Xô đã đưa ra hai chính sách “mở cửa” và “tái phối trí” nhằm mục tiêu cứu nguy Liên Xô vào tháng 5/1985.

Khi mẫu mực cộng sản của mình bị phá sản, đến nỗi mất luôn khả năng bành trướng và phải quay sang cầu cạnh Tây phương để tìm cách cứu nguy kinh tế, Liên Xô không thể nào chi viện cả quân sự lẫn kinh tế cho các nước cộng sản đàn em. Trong Hội nghị của Hội đồng tương trợ kinh tế khối xã hội chủ nghĩa (COMECON = SEV) vào tháng 7 năm 1985, Gorbachev đã chính thức yêu cầu các nước phải mở rộng quan hệ với phương Tây. Tức là cho phép các nước đàn em tự xoay trở để cứu lấy mình trong cơn khủng hoảng chung của thế giới cộng sản.

Phiên họp giữa Gorbachev với lãnh tụ các nước cộng sản đàn em tại Ba Lan (1985)
cho phép các nước mở cửa buôn bán với Tây Phương để tự cứu
Trong lúc đó, cho đến năm 1985, CSVN đã hợp tác hóa nông dân thành 30.086 hợp tác xã và 25,628 tập đoàn sản xuất trên toàn quốc, bao gồm các lãnh vực trồng lúa, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp. Nhưng điều trớ trêu là cả nước thiếu đói vì không đủ lương thực cung cấp cho cả nước. Lý do là vì nông dân đã bỏ ruộng không canh tác và không chăn nuôi.

Lạm phát tăng vọt, các xí nghiệp quốc doanh và tập thể sống thoi thóp, sản xuất không đủ để cung ứng nhu cầu tiêu dùng, khiến cho cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ lớn hơn giai đoạn mà CSVN vừa mới tiếp thu miền Nam từ 1976-1980, làm ảnh hưởng đến đời sống cán bộ, công an, bộ đội.

Đời sống cơ cực của người dân trong những năm đầu sau khi CS chiếm miền Nam (1975-1980)
Trong lúc trung ương đảng vất vả đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế, Tổng bí thư Lê Duẩn lại từ trần vào tháng 7/1986, khiến cho nội bộ CSVN càng rơi vào tình huống bi đát. Để sống còn và dựa theo khuyến cáo của Gorbachev, tháng 8/1986, Trung ương đảng đã tổ chức hội nghị lâm thời bầu Trường Chinh làm xử lý Tổng bí thư, bắt đầu bàn đến chính sách cải tổ. Tháng 12 năm 1986, CSVN tổ chức đại hội đảng lần thứ VI, dưới chủ đề “nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới cơ chế” và bầu ông Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí Thư.

Do áp lực của Liên Xô, CSVN phải tiến hành đổi mới, nhưng hoàn toàn mù tịt về viễn cảnh của tình hình và nhất là làm sao giải quyết vấn đề lý luận về sự chuyển hướng của phong trào cộng sản trong nội bộ. Hơn nữa sau nhiều năm bị cô lập với thế giới bên ngoài, tư duy của lãnh đạo Hà Nội vào lúc này không theo kịp đà tiến bộ của thế giới nên những phản ứng luôn luôn đi sau những biến động của thời cuộc. Bên cạnh đó, sự chiếm đóng Campuchia đã khiến cho Hà Nội khó có thể tiến hành chính sách mở cửa ra bên ngoài như Gorbachev đề nghị. Cuối cùng, CSVN đã phải mò mẫm tìm phương cách thoát hiểm qua hai chính sách đối nội và đối ngoại đầy mâu thuẫn như sau:

Về mặt đối nội: Lãnh đạo CSVN tìm cách xóa bỏ cơ chế bao cấp, vừa ngăn chận làn sóng dân chủ đa nguyên từ Đông Âu.

1/ XÓA BAO CẤP:

Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam vào những năm 1985-1987 bị khủng hoảng vô cùng nghiêm trọng. Một mặt do chính sách cải tổ “giá - lương - tiền” nhằm kiểm soát chặt chẽ khu vực lưu thông phân phối, thị trường và giá cả đã tạo ra tình trạng vật giá leo thang, đồng bạc mất giá, hàng hóa lại khan hiếm, khiến cho đời sống người dân bị rối loạn, nhất là thành phần công nhân viên nhà nước vô cùng khốn đốn. Mặt khác do ảnh hưởng của biện pháp tập thể hóa nông nghiệp lần thứ hai từ năm 1982 nông dân đã không chịu canh tác, khiến cả nước bị thiếu hụt lương thực trầm trọng. Trong bối cảnh khó khăn đó, kế hoạch cải tổ kinh tế Việt Nam đã lồng trong chính sách đối ngoại “mở cửa” (triệt thoái Campuchia, vận động đầu tư nước ngoài) để tìm phương tiện thoát hiểm.

Kế hoạch cải tổ tập trung vào việc giải quyết bài toán khủng hoảng kinh tế trên cơ sở xóa bỏ chế độ tập trung bao cấp, bãi bỏ chính sách hai giá và thu mua nông sản của nông dân theo giá thỏa thuận chứ không theo lối ăn cướp như trong quá khứ. Đồng thời chấm dứt chế độ trợ cấp cho công nhân viên chức nhưng tăng lương theo kiểu “bù vào giá lương”. Về hệ thống quốc doanh, CSVN bắt đầu cho xí nghiệp tự quản, được quyền tự tổ chức kế hoạch sản xuất và ấn định chính sách nhân viên, lương bỗng. Đồng thời công nhận nhiều thành phần kinh tế hoạt động bên cạnh quốc doanh và tập thể, theo cơ chế thị trường. Về hợp tác xã nông nghiệp, CSVN bãi bỏ chính sách hợp tác hóa, cho nông dân thuê lại ruộng đất canh tác theo mức khoán sản lượng thâu hoạch theo giá hai bên thỏa thuận.

Những cải tổ nói trên có tạo một bộ mặt thay đổi trong xã hội Việt Nam với hàng hóa tiêu dùng nhiều hơn và chấm dứt thời kỳ nghèo đói kéo dài, nhưng lại xuất hiện một giai cấp quý tộc đỏ trong xã hội. Một thiểu số đã giàu có nhanh chóng nhờ biết móc ngoặc hoặc nằm trong vị thế quyền lực, tham nhũng sinh sôi nẩy nở, và giai cấp thiểu số mới này đã sống phè phỡn, hưởng thụ bên cạnh sự nghèo đói, bần cùng của đại đa số người dân.

2/ CỞI TRÓI NỬA VỜI:

Chính sách đổi mới cũng đã tác động vào nội bộ đảng tạo ra nhiều tệ đoan cùng với sự mất tin tưởng vào lãnh đạo, vào chủ nghĩa của đại đa số đảng viên phổ biến ở mọi cấp. Vì thế mà từ năm 1987, CSVN đã thảo luận về công tác chấn chỉnh nội bộ. Hỗ trợ cho nỗ lực này, lúc đầu Nguyễn Văn Linh đã dùng bút hiệu N.V.L viết một loạt bài “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân Dân nêu một số tệ đoan, tiêu cực trong xã hội.

Loạt bài của Nguyễn Văn Linh đã mở màn cho thời kỳ xuất hiện nhiều bài viết tấn công các tệ đoan, xã hội, nạn cường hào ác bá địa phương, nạn tham nhũng cửa quyền... tạo ra một cuộc bút chiến giữa cán bộ tuyên huấn của đảng với một số văn nghệ sĩ ủng hộ dân chủ hóa. Lo sợ những bài viết nói trên soi mòn quyền lực của đảng và nhất là cổ võ cho phong trào dân chủ tại Việt Nam bộc phát như các nước Đông Âu, nên Nguyễn Văn Linh phải ngưng các bài viết và đảng ra tay đàn áp, trù dập những văn nghệ sĩ viết bài kêu gọi dân chủ hóa xã hội.

3/ THANH TRỪNG NỘI BỘ:

Sự lớn mạnh của phong trào dân chủ tại Đông Âu đã có ảnh hưởng và làm chuyển biến tư duy một ủy viên bộ chính trị vào lúc đó là ông Trần Xuân Bách. Ông Bách đã đề nghị lãnh đạo CSVN nên đổi mới cả hai chân kinh tế và chính trị với sự tôn trọng dân chủ đa nguyên.

Ông Trần Xuân Bách bị khai trừ ra khỏi Bộ chính trị
và Trung ương vì cổ võ cho dân chủ đa nguyên
Ông Trần Xuân Bách đã từng phát biểu: "Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát - do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ là khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc và đưa đất nước đi lên kịp thời đại...".

Vì là một ủy viên Bộ chính trị nên quan điểm của ông Trần Xuân Bách được phổ biến công khai trên các cơ quan ngôn luận của đảng, tạo ra một sự chú ý đáng kể của dư luận. Bộ chính trị CSVN đã cho rằng các quan điểm của ông Trần Xuân Bách quá nguy hiểm nên tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 3 năm 1990), ông đã bị phê phán gay gắt và bị kỷ luật, phải ra khỏi Bộ Chính trị và Trung ương đảng nhưng không khai trừ khỏi Đảng.

Để ngăn chận các ảnh hưởng của ông Trần Xuân Bách đối với nội bộ, Bộ chính trị CSVN đã ra Nghị quyết 8 để buộc toàn đảng phải tổ chức học tập chủ trương “tiếp tục duy trì sự lãnh đạo của đảng, phủ nhận dân chủ đa nguyên”. Đồng thời Nguyễn Văn Linh còn ra chỉ thị kiểm soát nội dung loan tải của báo chí, truyền thông, đặc biệt là áp lực Thành ủy Sài Gòn giải tán nhóm lãnh đạo Câu lạc bộ Truyền thông kháng chiến của nhóm cán bộ miền Nam vào lúc đó do ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu lập ra.

Về mặt đối ngoại: CSVN tung ra Luật đầu tư mới để mở cửa giao thương với bên ngoài và tìm chỗ dựa mới sau khi khối Liên Xô tan rã toàn diện vào tháng 12/1991.

1/ RÚT QUÂN KHỎI CAMPUCHIA:

Một trong những áp lực từ phía Liên Xô là CSVN phải mở cửa buôn bán với các nước phương Tây; vì thế mà tháng 12/1989, Quốc hội CSVN đã phải công bố Luật đầu tư dành nhiều quyền lợi cho người ngoại quốc vào đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, CSVN vẫn còn bị thế giới cô lập vì chưa rút quân ra khỏi Campuchia và chưa xóa bỏ các trại tù cải tạo đối với quân cán chính VNCH, nên những vận động đầu tư của Hà Nội vào lúc này đa số là “ăn xổi ở thì” của thương nhân Đài Loan, Hồng Kông, Tân Gia Ba... ; chưa có những xí nghiệp lớn đa quốc gia bước vào.

CSVN làm lễ rút quân ra khỏi Campuchia.
Trong bối cảnh đó, một mặt CSVN mở các cuộc trao đổi tiếp xúc riêng với Bộ ngoại giao Bắc Kinh đề nghị các cuộc gặp gỡ, mặt khác tham gia vào các Hội nghị bàn thảo về vấn đề hòa bình Campuchia. Đầu năm 1989, khi Hà Nội bắt đầu rút quân ra khỏi Campuchia thì Trung Quốc mới xúc tiến các đàm phán, và phía CSVN chấp nhận một cơ chế giám sát quốc tế do Liên Hiệp Quốc chủ trì gồm bốn bên Campuchia tham gia để kiểm chứng việc rút quân của Việt Nam, cũng như thảo luận để tiến đến việc Tổng tuyển cử tại Campuchia vào năm 1993.

2/ KHẤU TẤU BẮC KINH:

Tháng 8/1990 đại sứ Trương Đức Huy của Trung Cộng tại Hà Nội đã chuyển một thông điệp của Tổng bí Thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng muốn mời lãnh đạo CSVN sang Hoa Lục để hội đàm. Ngày 3/9/1990 Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng sang Thành Đô, thủ phủ Tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc để hội đàm bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước. Điều bất thường là Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng ngoại giao Cộng sản Việt Nam vào lúc đó, đã bị Trung Quốc yêu cầu không được đi chung với phái đoàn. Sau hai ngày nói chuyện, kết quả ghi lại trong một biên bản gọi là "Bản Tóm Tắt" gồm 8 điểm, nhưng không hề được lãnh đạo CSVN tiết lộ.

Hội nghị Thành Đô năm 1990. Đây là Hội nghị mở đầu giai đoạn CSVN
quay đầu khấu tấu Bắc Kinh sau khi chỗ dựa Liên Xô tan rã.
Theo ông Trần Quang Cơ, Thứ trưởng ngoại giao CSVN vào lúc đó, sau này cho biết rằng, trong 8 điểm của bản tóm tắt thì 7 điểm đã nói về việc giải quyết Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về việc cải thiện quan hệ hai nước mà thực chất chỉ là nhắc lại lập trường cũ của Trung Quốc gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Theo ông Trần Quang Cơ thì cuộc gặp gỡ này hoàn toàn do Trung Quốc chủ động và Hà Nội làm theo ý của Bắc Kinh. Điều mà dư luận nghi vấn là trong cuộc Hội đàm này, CSVN đã chính thức khấu tấu Bắc Kinh và hoàn toàn đặt mình dưới sự chỉ đạo của Trung Cộng để được bảo bọc từ kinh tế, chính trị, ngoại giao cho đến các vấn đề an ninh chiến lược thông qua vòng kim cô “16 Vàng và 4 Tốt” được Giang Trạch Dân đưa ra sau này.

3/ TIẾP XÚC HOA KỲ:

Sau khi Hà Nội rút hết quân ra khỏi Campuchia vào cuối năm 1989 thì những liên lạc trao đổi giữa Bộ ngoại giao CSVN và Hoa Kỳ đã được xúc tiến mạnh mẽ để có những cuộc gặp gỡ cao cấp giữa hai phía. Ngày 29/9/1990, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Baker tại New York. Sau cuộc gặp này, ngày 11/11/1991 Hoa Kỳ chính thức cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Hoa Kỳ thăm Việt Nam. Những quyết định này của Hoa Kỳ đã khiến cho Bắc Kinh phải nhanh chóng tiến đến bình thường hóa ngoại giao với CSVN.

Ngày 14/12/1992, Tổng thống Hoa Kỳ George Bush cho phép các công ty Hoa Kỳ có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và ký các hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ, và đến ngày 3/2/1994 Tổng thống Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Thượng viện Hoa Kỳ trước đó 1 tuần đã thông qua quyết định trên. Đến ngày 28/1/1995 Hoa Kỳ và CSVN chính thức mở văn phòng liên lạc. Nhưng đến ngày 11/7/1995 hai phía mới chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, chấm dứt các chính sách thù địch.

*

Qua những diễn biến trong 10 năm (1985-1994) nói trên cho thấy đây là thời kỳ mà CSVN đối diện với rất nhiều khó khăn từ bên trong lẫn bên ngoài. Ông Trần Bạch Đằng mô tả thời kỳ trong Hồi ức của mình là “ngàn cân treo sợi tóc”.

Đáng chú ý trong thời kỳ này là ông Nguyễn Văn Linh đã dẫn một phái đoàn sang Đông Đức để dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Cộng hòa nhân dân Đông Đức tổ chức vào ngày 7/10/1989 tại Berlin. Phái đoàn Nguyễn Văn Linh hy vọng là chuyến đi này sẽ học hỏi đôi điều và mang về như một “cẩm nang” để áp dụng chính sách đổi mới tại Việt Nam. Không ngờ là ông Linh đã chứng kiến những cuộc biểu tình rầm rộ đòi dân chủ tại Bá Linh, dẫn đến sự từ chức của Tổng bí thư Erich Honnecker vào ngày 18/10 lúc ông Linh đang còn thăm viếng Đông Đức.

Sau khi về đến Hà Nội, ông Nguyễn Văn Linh lại nhận được tin Bức tường Bá Linh sụp đổ vào ngày 9/11/1989 khiến sức khoẻ của ông Linh bị suy sụp và đã phải dưỡng bệnh cho đến ngày 16/12/1989 mới xuất hiện trở lại.

Người Tây và Đông Đức cùng đập phá bức tường Bá Linh tháng 11/1989.
Những sự kiện này cho thấy là biến cố Đông Âu đã làm cho thượng tầng lãnh đạo CSVN ở vào thế bối rối như trẻ bất ngờ bị “mồ côi”, và đã hốt hoảng chạy sang khấu tấu Bắc Kinh để tìm chỗ dựa mới.

Đây cũng là thời kỳ xuất hiện nhiều tiếng nói đối kháng trong lòng chế độ Cộng sản Việt Nam đứng lên đòi đa nguyên đa đảng, đòi tự do tư tưởng, tự do ngôn luận cũng như phê phán các chính sách sai lầm của đảng CSVN một cách gay gắt.

Đặc điểm của thời kỳ này là sự xuất hiện của hai thành phần đối kháng là văn nghệ sĩ trí thức và cựu chiến binh đã từng phục vụ trong guồng máy xã hội chủ nghĩa. Thành phần văn nghệ sĩ trí thức đã khai thác chính sách cởi mở của Nguyễn Văn Linh để phê phán các tệ đoan xã hội do guồng máy cai trị độc tài độc đảng gây ra, đồng thời bút chiến với các nhà lý luận Mác - Xít về vấn đề đa nguyên xã hội. Trong khi đó, thành phần cựu chiến binh, đặc biệt là nhóm kháng chiến Nam bộ, cũng đã khai thác những thay đổi vá víu của chế độ qua các biện pháp đổi mới được đảng CSVN thực hiện từ năm 1986 để đưa ra những đòi hỏi cải cách chính trị, chấp nhận tự do ngôn luận, tự do lập hội...

Một xe Hoa nêu cao nỗ lực tranh đấu cho Nhân Quyền Việt Nam của các đoàn thể tại hải ngoại.
Vào thời kỳ này, các đoàn thể, đảng phái, Cộng đồng người Việt tại hải ngoại cũng đã khai dụng được các phong trào đấu tranh của người dân tại Đông Âu, cho ra đời nhiều phong trào đấu tranh giành lại tự do dân chủ cho Việt Nam tại các thành phố lớn ở hải ngoại, với hai mục tiêu: a/ Hỗ trợ các nỗ lực đối kháng tại quốc nội; b/ Mở rộng mặt trận quốc tế vận để tố cáo các hành động đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.

Nhờ sự xuất hiện đồng loạt và trải rộng trên nhiều địa bàn hải ngoại, các phong trào giành tự do dân chủ tại Việt Nam đã không chỉ tạo được một không khí đấu tranh tích cực trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, mà còn ngăn chận được phần nào những đòn khủng bố của Cộng sản Việt Nam đối với sự lên tiếng đấu tranh của các nhà đối kháng, các vị lãnh đạo tôn giáo ở trong nước.

---- oOo ----

Tham Khảo:

1/ Trần Hoàng Kim, Kinh Tế Việt Nam – Chặng đường 1945-1995 và triển vọng đến năm 2020. Nhà xuất bản thống kê 1999.

2/ The World Bank. GDP ranking 2014.

3/ Chương trình xóa đói giảm nghèo của UNDP tại Việt Nam 2015.

4/ Nguyễn Quốc Khải, Tại sao có nước giàu nước nghèo.

5/ Báo cáo Bộ chính trị trong Hội nghị trung ương 24 đảng Lao Đột Việt Nam khóa III năm 1075.

6/ Huy Đức, Bên Thắng Cuộc Tập I.

7/ Báo Time Ngày 16/2/1976.

8/ Đặng Phong. Tư Duy Kinh Tế Việt Nam: Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, Nhà xuất bản Tri thức.

9/ Nayan Chanda, Brother Enemy, Mac Millan Publishing Comp, Newyoor.

10/ Hoàng Duy, Chiến Tranh Đông Dương 3, Văn Nghệ 2000.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét