29 tháng 4, 2015

Việt Nam 40 Năm Dưới Chế Độ Cộng Sản (1975-2015) - THỜI KỲ III: 1995 – 2004

Trong 2 thập niên đầu (1975-1994), CSVN loay hoay trong vũng lầy “chuyên chính vô sản” và “ai thắng ai” khiến cho toàn thể đất nước rơi vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện. Mặc dù từ năm 1986, Hà Nội tung ra chính sách đổi mới mà cụ thể là mở cửa để huy động tài nguyên từ bên ngoài nhằm cứu nguy chế độ; nhưng phải nói là lãnh đạo CSVN vào lúc đó, không ai có kinh nghiệm giao tiếp với bên ngoài và quan trọng nhất là sợ bị chệch hướng xã hội chủ nghĩa nên đã mò mẫm đổi mới như “thầy bói sờ mui rùa”.

Việc Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận và chính thức nối lại quan hệ ngoại giao bình thường với CSVN vào năm 1995, đã mở ra rất nhiều cơ hội cho CSVN. Thế nhưng CSVN vốn coi Bắc Kinh là chỗ dựa an toàn nên đã không tích cực khai dụng sự quan hệ với Hoa Kỳ để tạo điều kiện thay đổi đất nước. Mãi cho đến khi vụ giàn khoan HD 981 xảy ra, lãnh đạo CSVN miền Bắc mới thấy rằng Trung cộng không còn là chỗ dựa an toàn nữa và bắt đầu quay sang Hoa Kỳ để tìm một thế “cân bằng” mới để giảm bớt sức ép từ Trung Quốc.

Trên mặt lý thuyết, CSVN đang cố ứng dụng đường lối ngoại giao đu dây như họ từng đu dây giữa Liên Xô và Trung Quốc trong thời chiến tranh Việt Nam, cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng sự khác biệt to lớn cho đường lối đu dây của quá khứ và hiện nay là Hoa Kỳ không phải là quốc gia Cộng sản. Hoa Kỳ tuy coi CSVN là mắc xích quan trọng cho việc ổn định và giải quyết các tranh chấp ở biển Đông; nhưng nếu CSVN tiếp tục khấu đầu Bắc Kinh thì sẽ nhận những hậu quả khó lường. Điều này đã minh chứng trong 2 thập niên quan hệ giữa CSVN và Hoa Kỳ từ năm 1994 đến 2014.

THỜI KỲ III: 1995 – 2004

Nối Lại Bang Giao Mỹ - Việt
Phân Liệt Thượng Tầng Lãnh Đạo

Năm 1995 là năm đánh dấu thời kỳ CSVN chấm dứt tình trạng bị thế giới cô lập kinh tế và phong tỏa ngoại giao khi Hoa Kỳ chính thức bãi bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995. Đây cũng là năm mà Hà Nội nộp đơn xin vào Tổ chức mậu dịch thế giới WTO nhưng mãi đến 10 năm sau mới được chấp thuận.

Nói cách khác là sau khi “bắt tay” được với Hoa Kỳ, CSVN đã nhanh chóng hội nhập vào thế giới tự do như gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) vào năm 2000, cùng với khối ASEAN ký các hiệp định thương mại tự do giữa khối ASEAN với Trung Cộng (2004), Hàn Quốc (2006), Nhật Bản (2008)... và nhất là được Hoa Kỳ ủng hộ để gia nhập WTO vào tháng 1/2007.

Tuy nhiên, nếu năm 1995 là năm đánh dấu thời kỳ mở cửa hội nhập thì cũng là thời điểm mà thượng tầng lãnh đạo CSVN rơi vào tình trạng xung đột gay gắt về hướng đi và những vấn đề lý luận liên quan đến quái thai “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Lúc này, thượng tầng lãnh đạo CSVN chia làm hai khuynh hướng:

- Khuynh hướng bảo thủ, tức là tiếp tục xiết chặt chính trị theo đường lối của Đặng Tiểu Bình bên Trung Cộng, đứng đầu là Đỗ Mười và Lê Đức Anh.

- Khuynh hướng cải tổ chính trị với chủ trương tách rời bộ máy đảng ra khỏi bộ máy nhà nước và nhất là nâng cao vai trò tư doanh, thu hẹp các hoạt động của quốc doanh, đứng đầu là Võ Văn Kiệt.

Đỗ Mười
Cung cách ứng xử của hai khuynh hướng này là tranh cãi quanh vấn đề “chệch hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng lại không có ai đưa ra một định nghĩa rõ ràng thế nào là chệch hướng. Đây là thời điểm chuẩn bị Đại hội đảng kỳ VIII(1996) nên sự đấu đá càng trở nên gay gắt.

Tháng 8 năm 1995, Võ Văn Kiệt đã soạn một tài liệu gọi là “tối mật” gửi cho Bộ chính trị trình bày một số nhu cầu cải tổ mà cụ thể là xây dựng nhà nước pháp quyền, chấm dứt thời kỳ chi phối của đảng trong bộ máy hành chánh và kinh tế.

Đối lại, Đỗ Mười cho phổ biến bản Dự thảo báo cáo chính trị vào tháng 11/1995 khẳng định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo nền kinh tế và giữ vững nguyên tắc dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Đồng thời, Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã “khuyến dụ” Võ Văn Kiệt cùng rút lui để nhường quyền lại cho “Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải” nhưng Võ Văn Kiệt từ chối.

Võ Văn Kiệt
Vì thế mà Đại hội đảng kỳ VIII (6/1996) diễn ra trong một bối cảnh rất căng thẳng. Nhưng đến năm 1997, Võ Văn Kiệt thấm mệt trước sức ép của khuynh hướng giáo điều từ Đỗ Mười và Lê Đức Anh nên đã đồng ý rút lui.

Hội nghị 4 Trung ương đảng khóa VIII vào tháng 12/1997, Đỗ Mười tuyên bố bàn giao chức vụ Tổng bí thư cho Lê Khả Phiêu và bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt rút ra khỏi Bộ chính trị và giữ vai trò thái thượng hoàng, tức cố vấn tối cao của Trung ương đảng và Bộ chính trị. Trong vai trò cố vấn, bộ ba thái thượng hoàng có thể tham gia mọi cuộc họp cao cấp của đảng.

Lê Khả Phiêu lên làm Tổng Bí Thư không do đại hội bầu ra mà do Đỗ Mười chuyển quyền nên tư thế lãnh đạo của Lê Khả Phiêu không mạnh và luôn luôn bị bộ ba Mười - Anh - Kiệt khuynh loát.

Trong bối cảnh đó, Lê Khả Phiêu đã một mặt vận động Trung ương đảng bãi bỏ cơ chế cố vấn tối cao để loại bỏ sự chi phối quá đáng của bộ ba thái thượng hoàng trong ban chấp hành Trung ương. Mặt khác, Lê Khả Phiêu đã tìm chỗ dựa Bắc Kinh như cái phao an toàn, chống lại bộ ba Mười - Anh - Kiệt.

Lê Khả Phiêu
Ngày 25/2/1999, Lê Khả Phiêu viếng thăm Trung Quốc theo lời mời của Giang Trạch Dân và đây là thời điểm ra đời cái gọi là quan hệ hữu nghị “16 Vàng và 4 Tốt” mà họ Giang đề nghị. Trong chuyến đi này, Lê Khả Phiêu đã cam kết với Bắc Kinh là chỉ thị Bộ ngoại giao xúc tiến việc ký kết hai văn kiện: 1/ Hiệp định về biên giới trên bộ (ký ngày 30/12/1999) và Hiệp ước phân định Vịnh Bắc Việt (ký ngày 25/12/2000) vốn bị đông lạnh từ năm 1995.

Việc Lê Khả Phiêu cho ký hai văn kiện này đã trở thành bi kịch trong thượng tầng lãnh đạo, khi bộ ba Mười - Anh - Kiệt đã dùng nó để triệt hạ chức Tổng bí thư của Lê Khả Phiêu trong Đại hội đảng kỳ IX (2001) hầu trả thù việc Phiêu đòi giải tán ban cố vấn của bộ ba này đối với ban chấp hành Trung ương đảng.

Mặc dù Trung Cộng đã đề cử Hồ Cẩm Đào, đang là Phó chủ tịch nước, sang viếng thăm và dự Đại hội đảng kỳ IX để giúp cho Lê Khả Phiêu, nhưng đã thất bại.

Nông Đức Mạnh, lúc đó đang là chủ tịch quốc hội được đưa lên làm Tổng bí thư như là trái độn để cho bộ ba thái thượng hoàng tiếp tục khuynh loát nội bộ đảng.

Trong lúc thượng tầng lãnh đạo xung đột quyền lực thì biến cố Thái Bình bùng nổ với sự nổi dậy của nông dân và cựu chiến binh của 5 huyện vào cuối năm 1996 để chống lại chính sách tham ô nhũng lạm của cán bộ địa phương. Liền sau biến cố Thái Bình là phong trào khiếu kiện của nông dân mang tính tập thể tại nhiều tỉnh ở miền Nam và miền Bắc bắt đầu bộc phát khiến cho CSVN không còn dám coi thường những vụ khiếu kiện tập thể, mà đã phải lập ra văn phòng “tiếp dân” tại Sài Gòn và Hà Nội để giải quyết.

Nông Đức Mạnh và Hồ Cẩm Đào
Ngoài ra, tuy CSVN đã nối lại bang giao với Hoa Kỳ và mở ra với thế giới phương Tây, nhưng những ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn tiếp tục chi phối rất lớn lên đường lối đối nội và đối ngoại của CSVN với những bước đi rất khập khễnh vào giai đoạn này.

Về mặt đối nội: CSVN vừa phải đối phó với những rối rắm trong nội bộ đảng, vừa phải chấn chỉnh lại nền kinh tế để thích ứng với những đòi hỏi của các chủ đầu tư ngoại quốc.

1/ CÔNG NGHIỆP HÓA:

Một trong 4 nguy cơ mà lãnh đạo CSVN đưa ra vào lúc này là nguy cơ tụt hậu so với sự phát triển đối với các quốc gia trong vùng; vì thế mà từ năm 1995, CSVN đã đưa ra chủ trương phát triển “công nghiệp, công nghệ” theo hướng công nghiệp hóa. Để tiến hành chủ trương này, CSVN không thể nào tiếp tục dựa trên giai cấp nông dân hay công nhân mà phải quy tụ chất xám. Nhưng muốn quy tụ chất xám thì phải loại bỏ quan niệm “hồng hơn chuyên” và coi thường thành phần trí thức trong quá khứ. Vì thế mà trong Đại hội đảng lần IX, CSVN mới chế ra một liên minh mới có tên là liên minh giai cấp công-nông-trí trong thời kỳ đổi mới. Từ đó giới trí thức, giới khoa bảng bắt đầu có một chỗ đứng trong các hội nghị của đảng và nhà nước.

Dựa trên nền tảng liên minh nói trên, tháng 8/2001, CSVN đưa ra nghị quyết xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp tiên tiến vào năm 2020. Ông Võ Văn Kiệt là người phụ trách kế hoạch phát triển này và đã mời một số trí thức, chuyên gia như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bà Phạm Chi Lan… vào trong ủy ban cố vấn Thủ tướng. Nhờ những cố vấn này mà ông Võ Văn Kiệt đã tiến hành một số biện pháp cải tổ nền kinh tế, hệ thống tài chánh, tiền tệ, thuế khóa, lẫn cải tổ hành chánh để thu hút đầu tư ngoại quốc, và nhất là để có thể vay mượn tiền từ các định chế tài chánh quốc tế.


Một trung tâm sản xuất và gia công chip tại Việt Nam
Tham vọng của Hà Nội vào lúc này là muốn đẩy mạnh cơ khí, điện tử và tin học để làm đầu cầu phát triển. Nhưng khả năng huy động vốn giới hạn và hậu quả của chính sách cải tạo XHCN trong những thập niên trước đã phá hủy hạ tầng cơ sở kinh tế, nhất là ở miền Nam, nên nỗ lực của ông Kiệt không tiến triển khả quan. Song song, Hà Nội bắt chước Trung Quốc đã cho lập ra một số khu chế xuất để vận động các công ty ngoại quốc vào đầu tư, nhưng đa số mang tính chất gia công nhiều hơn là chế biến tại chỗ. Ngoài khó khăn về huy động vốn cho phát triển công nghiệp, Việt Nam bị một vấn nạn lớn mà các nước Đài Loan, Nam Hàn không gặp phải, chính là bị khống chế bởi một ý thức hệ giáo điều với một nền chính trị cực quyền nằm trong tay một thiểu số lãnh đạo không biết gì về quy luật phát triển cho một quốc gia công nghiệp.

2/ PHẢN KHÁNG NỘI BỘ:

Làn sóng phản kháng trong nội bộ đảng ngày càng trở nên mạnh mẽ và gay gắt chưa từng thấy khiến cho lãnh đạo CSVN rất lúng túng. Sau đợt đấu tranh đòi dân chủ trong đảng của các ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng thuộc Câu lạc bộ kháng chiến miền Nam vào năm 1995 thì làn sóng đòi chia tay ý thức hệ (Hà Sĩ Phu), đòi bỏ chuyên chính vô sản, đòi bỏ điều 4 hiến pháp (Hoàng Minh Chính, Lữ Phương Trần Khuê), đòi dân chủ đa nguyên đa đảng (Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Đỗ Trung Hiếu) xuất hiện mở ra một phong trào phản kháng đa diện.

Đặc biệt là thời gian này có sự xuất hiện một số nhà đối kháng trẻ như anh Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn, Đỗ Nam Hải và đặc biệt là anh Lê Chí Quang với bài viết vạch trần sự kiện Hà Nội đã nhượng đất, nhượng biển qua hiệp ước biên giới và hiệp định phân ranh Vịnh Bắc Việt, khiến cho Hà Nội tức giận và trả thù bằng bản án “gián điệp” 20 năm tù.

Nhưng đáng chú ý nhất là vào thời điểm này đã diễn ra sự kiện ông Lê Hồng Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ tổng hợp thuộc Bộ công an) và ông Nguyễn Trung Thành (nguyên Vụ trưởng vụ bảo vệ đảng của Ban tổ chức trung ương) gửi thư lên Bộ chính trị yêu cầu xét lại vụ án “xét lại” vào năm 1967, mà theo hai ông là hoàn toàn dựng chuyện để sát hại những ai có ý tưởng chống lại cuộc chiến tranh xâm chiếm Miền Nam do hai ông Lê Duẩn – Lê Đức Thọ chủ mưu vào lúc đó. Vì hai ông là những cán bộ cao cấp của Bộ công an và có nhiều liên hệ trực tiếp đến việc bắt giữ, hành hạ tinh thần những người trong vụ án xét lại, khiến cho CSVN lo ngại nên đã ra lệnh khai trừ ông Lê Hồng Hà và Nguyễn Trung Thành ra khỏi đảng.

Gần đây tác phẩm Đèn Cù của ông Trần Đĩnh, một nạn nhân của vụ án ‘xét lại” vào năm 1967 đã cho xuất bản tại hải ngoại đề cập khá chi tiết về vụ án này. Theo ông Trần Đĩnh thì vụ án xét lại hoàn toàn là một bi kịch do Lê Duẩn và Lê Đức Thọ dựng ra để bắt giữ và tiêu diệt gần 300 cán bộ có khuynh hướng chống lại cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam của Lê Duẩn phát động.

Lúc đó Lê Duẩn gán ghép những người này thân Liên Xô, chống lại đường lối Mao “chống Mỹ đến cùng” và đã dùng hai người là ông Lê Hoàng Hà và Nguyễn Trung Thành dựng lên vụ án, đẩy hàng trăm cán bộ và gia đình vào cảnh tù tội. Năm 1995 sau khi đến tuổi về hưu, cả ông Nguyễn Trung Thành và Lê Hoàng Hà đều viết đơn yêu cầu Trung Ương xem xét lại vụ án và phục hồi danh dự những nạn nhân bị tập đoàn Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã ám hại. Tuy nhiên cho đến nay, lãnh đạo CSVN vẫn chưa dám mở lại hồ sơ vì sẽ rất nguy hiểm cho chính họ khi sự thật bị phơi bày trước ánh sáng; dân chúng sẽ không để yên.

3/ NÔNG DÂN NỔI DẬY:

Vụ nổi dậy của nông dân dưới sự chỉ đạo của cựu chiến binh thuộc 5 huyện Quỳnh Lưu, Hưng Hà, Tiền Hải, Đông Hưng và Thái Thụy trong 7 huyện và thị xã của tỉnh Thái Bình đã âm ỉ từ cuối năm 1996. Nhưng chính quyền làm ngơ không giải quyết, nên sự việc bắt đầu bộc phát mạnh từ tháng 5/1997 và bùng nổ vào hai ngày 26 và 27 tháng 6 năm 1997 khi hàng ngàn nông dân xã An Ninh, Huyện Quỳnh Phụ đập phá trụ sở, bắt giữ cán bộ đã khiến cho lãnh đạo CSVN bàng hoàng và sửng sốt.

Đây không chỉ là cuộc chống đối tập thể mà có khả năng đe dọa và làm tê liệt sự chỉ đạo của chính quyền trong một thời gian dài khi nông dân bao vây và bắt giữ cán bộ lãnh đạo các xã và huyện. Vụ nổi dậy chủ yếu là chống chính sách thu thuế và cướp ruộng, cướp đất của chính quyền địa phương dưới cái gọi là xây dựng cơ sở hạ tầng cho các công trình: Điện - Đường - Trường - Trạm mà phần lớn là vào túi riêng của cán bộ.

CSVN đã mất gần 2 năm để đối phó với vụ nổi dậy này; hàng loạt cán bộ cao cấp vào lúc đó như Phạm Thế Duyệt, Trần Đức Lương, Đỗ Mười được phái đến xoa dịu sự phẫn uất của nông dân và hơn 300 cán bộ tại đây bị cách chức hoặc bị truy tố. Đặc biệt là ông Võ Văn Kiệt đã cho thành lập một Ủy ban điều tra về vụ nổi dậy Thái Bình do Giáo sư Tương Lai, Viện trưởng Viện xã hội học vào lúc đó lãnh đạo.

Kết luận điều tra của nhóm giáo sư Tương Lai cho rằng biến cố Thái Bình cũng sẽ xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước là vì: sức dân bị khai thác quá mức, bị sử dụng lãng phí và bị tham nhũng quá mức nên chỉ còn một con đường duy nhất là nổi dậy chống trả mà thôi.

Nông dân Bình Dương lên Sài Gòn Khiếu Kiện
Sau biến cố Thái Bình, hàng loạt những cuộc phản kháng của nông dân bị chính quyền địa phương cướp ruộng, cướp đất không chịu đền bù xứng đáng đã xảy ra hầu như khắp các tỉnh miền Bắc và miền Nam. Nhiều địa phương đã lập thành phái đoàn từ 15 đến 40 người cùng nhau kéo lên khiếu kiện trước các trụ sở trung ương như văn phòng Quốc hội, văn phòng Chính phủ, văn phòng Trung ương đảng và đến cả tư dinh của một số lãnh đạo như Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh để nộp đơn kêu oan. Vào thời điểm này, CSVN tuyên bố là họ đã thụ lý 650 ngàn vụ liên quan đến khiếu kiện về ruộng đất nhưng chỉ giải quyết nổi 70% hồ sơ và thụ lý 90 ngàn vụ liên quan đến tham nhũng, ức hiếp. Cho đến ngày hôm nay những hồ sơ tố cáo tham nhũng, kêu oan về khiếu kiện ruộng đất vẫn tiếp tục xảy ra ngày một nhiều hơn vì CSVN không thể giải quyết nổi.

Về mặt đối ngoại: Tuy đưa ra chủ trương “làm bạn với mọi quốc gia”, nhưng trong thực tế Hà Nội chỉ tạo quan hệ cho mục tiêu tranh thủ đầu tư và thương mại với các quốc gia phương Tây, trong khi đó vẫn tiếp tục coi Bắc Kinh là chỗ dựa mọi mặt.

1/ BANG GIAO MỸ VIỆT:

Ngày 3/2/1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bỏ hoàn toàn cấm vận CSVN và lập cơ quan liên lạc giữa hai nước. Ngày 11/7/1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tháng 8/1995, CSVN và Hoa Kỳ khai trương đại sứ quán tại Washington DC và Hà Nội, đồng thời ký thỏa thuận về giải quyết nợ của chính quyền VNCH với ông Nguyễn Sinh Hùng, lúc đó là Bộ trưởng tài chánh.

Từ đó, thông qua các tổ chức phi chính phủ, Hoa Kỳ bắt đầu có những viện trợ nhân đạo cho Việt Nam. Từ tháng 7/2007, Quốc hội Hoa Kỳ đã phân bố ngân sách 3 Triệu USD giúp CSVN khắc phục nạn nhân chất da cam và tăng lên 6 Triệu USD vào năm 2009. Song song, chính quyền Tổng thống Bill Clinton cũng đã tiếp tục tạo những áp lực về nhân quyền lên CSVN. Đặc biệt là Hoa Kỳ đã áp lực CSVN phải thả một số nhà dân chủ như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Thượng tọa Thích Thiện Minh.

Ngày 2/6/2000, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố miễn áp dụng đạo luật bổ sung Jackson-Vanik đối với CSVN và ngày 14/7/2000, tại Washington, đại diện CSVN và Hoa Kỳ ký hiệp định thương mại song phương sau nhiều vòng đàm phán. Tuy nhiên vấn đề trao đổi thương mại giữa hai nước trong thời kỳ này còn rất chậm. Theo số liệu của hải quan cho thấy là trao đổi thương mại giữa hai nước từ năm 1996 đến năm 2004 chỉ đạt khoảng non 3 tỷ USD.

Ngày 6/9/2000, lần đầu tiên đại diện cao cấp của CSVN là ông Trần Đức Lương, chủ tịch nước, đã gặp Tổng thống Bill Clinton tại New York nhân dịp tham dự Hội nghị thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc và chính thức mời Tổng thống Mỹ viếng tham Việt Nam. Nhận lời mời này, ngày 16-19 tháng 11 năm 2000, ông bà Bill Clinton đã viếng thăm chính thức Việt Nam.

Tổng thống Clinton viếng thăm Việt Nam năm 2000, đang duyệt binh bên cạnh là Trần Đức Lương
Chuyến viếng thăm Việt Nam của ông bà Clinton đã được dư luận Việt Nam quan tâm theo dõi. Lý do đơn giản là sau 20 năm bị Hoa Kỳ cô lập ngoại giao, tâm lý chung của người dân Việt Nam là vui mừng đón tiếp và mong đợi Hoa Kỳ đầu tư giúp Việt Nam phát triển. Người dân đã đứng hai bên đường phố chờ đón phái đoàn của Tổng Thống Bill Clinton từ phi trường Nội Bài về Thủ đô Hà Nội.

Nhưng lãnh đạo CSVN thì lại có thái độ trái ngược, thiếu thân thiện. Trong cuộc đón tiếp Tổng Thống Clinton tại nhà khách Trung ương đảng, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã có những phát biểu mang tính chất thách đố “ai thắng ai” khiến cho không khí buổi gặp gỡ trở nên căng thẳng. Sự kiện này cho thấy là CSVN tuy phải tạo quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng họ chưa gột bỏ những suy nghĩ thù địch còn sót lại từ thời chiến tranh.

2/ GIA NHẬP KHỐI ASEAN:

Sau khi rút quân ra khỏi Nam Vang (1989) và tham gia vào tiến trình đàm phán vãn hồi hòa bình Campuchia, CSVN được các quốc gia khối ASEAN cho tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên ASEAN hàng năm. Tháng 7/1994, CSVN được mời tham dự cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và trở thành một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn này. Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Brunei, CSVN chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này. Sau khi gia nhập, CSVN tích cực giới thiệu Lào, Campuchia và Miến Điện tham gia ASEAN.


Tháng 12/1998, CSVN đăng cai đứng ra tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chánh nghiêm trọng tại Á Châu vào lúc đó nên được dư luận đánh giá cao. Tháng 3/2002, CSVN cùng với khối ASEAN họp với Trung Cộng để thảo luận về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc, tạo tiền đề cho việc ra Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông sau này. Tuy nhiên vào lúc đó, vấn đề Biển Đông chưa phải là đề tài nóng nên ASEAN ít quan tâm.

Trong 10 năm sau khi gia nhập ASEAN, tính đến năm 2004 thì CSVN đã thu hút đầu tư từ các nước ASEAN trên 600 dự án với tổng số vốn hơn 10 tỷ USD, chiếm 27% FDI (đầu tư ngoại quốc) của Việt Nam vào lúc đó. Tuy nhiên các dự án đầu tư của ASEAN vào Việt Nam lúc này không có quy mô lớn, đa số là thủ công nghệ và liên quan đến nông nghiệp.

3/ LỆ THUỘC BẮC KINH:

Trong thời kỳ 10 năm (1995- 2004) mối quan hệ giữa CSVN và Trung Quốc có hai giai đoạn đáng quan tâm. Giai đoạn một là từ 1994 đến 1997 là lúc Đỗ Mười còn ở vị trí Tổng Bí Thư. Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh được đánh giá là chừng mực không ra những thông cáo hay tuyên bố chung về chính trị, mà phần lớn chú trọng vào các hiệp định về kinh tế. Trọng tâm chính của Đỗ Mười là muốn xây dựng niềm tin đối với Trung Quốc để kêu gọi Bắc Kinh giúp CSVN phát triển.

Đỗ Mười có 2 lần viếng thăm Trung Quốc vào thời kỳ này. Đặc biệt là trong chuyến viếng thăm lần thứ 2 từ 14-18/7/1997, chính Đỗ Mười đã hứa với Giang Trạch Dân là giải quyết hiệp định biên giới trước năm 2000 và vấn đề phân định Vịnh Bắc Việt chậm lắm là năm 2000. Nhưng sau này khi Lê Khả Phiêu cho phép Bộ Ngoại Giao CSVN ký kết thì Đỗ Mười cho là bán nước.

Giai đoạn hai từ 1998 đến năm 2004 là lúc Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh lên làm Tổng bí thư. Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh được đánh giá là “nồng ấm” theo đúng nghĩa môi hở răng lạnh. Hai phía đã ký Tuyên Bố Chung Việt-Trung vào năm 2000 làm nền tảng cho các mối quan hệ, và phát triển quan hệ chính trị chủ yếu là giữa các cấp bộ ngành, các địa phương của hai Đảng, hai nước với nhau.

Đây là thời kỳ mà cả Bắc Kinh và Hà Nội đã đổ một số tiền rất lớn cho việc tổ chức hàng trăm chuyến thăm viếng giữa hai phía từ cấp trung ương đến địa phương, ban ngành. Đặc biệt là phía Trung Cộng đã mời rất nhiều phái đoàn cấp địa phương của CSVN viếng thăm các tỉnh của Trung Quốc và được chiêu đãi tận tình. Mục tiêu của Bắc Kinh là dùng việc chiêu đãi này để tạo ảnh hưởng tâm lý lên cán bộ hạ tầng của CSVN và chính những người này sẽ là các nhân tố tuyên truyền tốt cho quan hệ Việt Trung.

Phan Văn Khải chào Giang Trạch Dân viếng thăm Việt Nam năm 2002.
Đặc biệt là trong chuyến thăm Việt Nam của Giang Trạch Dân vào năm 2002, Bắc Kinh đã đề nghị một số vấn đề mới: 1/ đàm phán việc phân chia cắm cột mốc biên giới mà hạn chót là năm 2008; 2/ trao đổi kinh nghiệm lý luận về xây dựng xã hội chủ nghĩa hàng năm giữa chuyên gia XHCN của hai nước. Phía CSVN đồng ý việc này và sau đó cử Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương đầu tiên của Hà Nội; 3/ tăng cường hợp tác, đối thoại trên các mặt trận ngoại giao, quốc phòng, an ninh và công an, mở đầu cho những khóa học mà cán bộ Trung Cộng dạy cho công an CSVN về tình báo, phản gián để xâm nhập tại hải ngoại.

Sau khi lên thay Giang Trạch Dân trong vai trò Tổng bí thư và Chủ tịch nước vào năm 2005, Hồ Cẩm Đào đã chọn Việt Nam làm nơi viếng thăm đầu tiên từ 31/10 đến 2/11 năm 2005, đánh dấu 55 năm thiết lập ngoại giao. Hai phía đã ra Tuyên Bố Chung xác định mối quan hệ hữu nghị dựa trên cơ sở “16 Vàng và 4 Tốt”.

*

Trong 10 năm (1995-2004) này phải nói là CSVN đã gặp rất nhiều thuận lợi khi nối lại bang giao với Hoa Kỳ, Cộng đồng chung Âu Châu, Nhật Bản, Úc Châu và nhất là tham gia vào Khối ASEAN để có thể “cân bằng” với mối quan hệ Trung Quốc được thiết lập vội vã ngay sau khối Liên Xô tan rã.

Đây là thời kỳ mà tăng trưởng kinh tế GDP đã gia tăng - từ 6,5% tới 7,5% - kéo dài trong nhiều năm. Sự tăng trưởng này đến từ hai lý do. Thứ nhất là nhờ đầu tư ngoại quốc, đa số là từ các quốc gia trong khối ASEAN, Nhật Bản, Hồng Kông... với tổng số vốn đầu tư lên đến 40 tỷ Mỹ kim - gấp đôi thời kỳ 10 năm trước. Thứ hai là nhờ sự vươn lên của các công ty tư nhân. Vào lúc này cả nước có 108,300 công ty tư nhân hoạt động và có vốn đầu tư là 18 tỷ USD. Sức đóng góp của các công ty tư nhân chiếm 37,7% GDP cả nước, so với các công ty quốc doanh chỉ đóng góp 39% GDP.

Chính những mâu thuẫn trong kết quả đóng góp của công ty quốc doanh và tư nhân khiến cho lãnh đạo CSVN gia tăng những quan điểm khác biệt về tư tưởng quái đản “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ngoài ra, đây cũng là thời kỳ tệ nạn tham nhũng lên cao nhất khiến Lê Khả Phiêu coi đây là “quốc nạn”, nhưng vô phương cứu chữa vì bộ máy tham nhũng chằng chịt và đan xéo ở mọi cấp không thể nào phát hiện hoặc ngăn chặn được.

Đây cũng là thời kỳ khởi sắc của lực lượng đối kháng qua sự tung hứng giữa các nhà đối kháng, các vị lãnh đạo tôn giáo với các tổ chức, đảng phái đấu tranh, bằng sự gia tăng việc công khai phê phán chế độ và công khai thách đố bộ máy công an, với những hỗ trợ và áp lực đấu tranh tạo được từ hải ngoại. Trong thời kỳ này, các nỗ lực đối kháng có ba đặc điểm:

1/ Nhiều lực lượng đấu tranh đã cùng nhau nỗ lực tạo thế liên kết đấu tranh trong ngoài dưới hình thức xây dựng một liên minh dân tộc hầu tạo sức mạnh tổng hợp để đối đầu công khai với đảng CSVN. Nỗ lực này khởi đầu từ cuối năm 1994, đại diện một số tổ chức như Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, Liên Minh Quang Phục Việt Nam đã gặp gỡ trao đổi về hiện tình đất nước và thảo luận phương thức phối hợp các hoạt động của nhiều đoàn thể nhưng vẫn giữ sắc thái độc lập của mỗi tổ chức.

Những trao đổi này sau đó đã được sự đồng tình của các tổ chức đấu tranh khác như Hội Đồng Việt Nam Tự Do, Nghị Hội Người Việt Toàn Quốc Hoa Kỳ, Liên Minh Việt Nam Tự Do. Tháng Giêng năm 1995, sáu tổ chức nói trên đã liên lạc với 5 Cộng đồng gồm Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu, Cộng Đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Tại Hòa Lan, Liên Hội Người Việt Tại Gia Nã Đại, Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật, tiến đến việc hình thành Ủy ban vận động tổ chức Hội Nghị Liên Kết Người Việt Tự Do vào tháng 4-1995, đánh dấu 20 năm đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam.

2/ Các lực lượng tôn giáo đã không chỉ đấu tranh cho những nhu cầu riêng của mỗi Giáo Hội mà còn tiến đến việc liên kết và phối hợp chung trong mặt trận liên tôn ngay tại Việt Nam để đòi tự do tín ngưỡng. Sự kiện các vị lãnh đạo Phật Giáo (Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh), Phật Giáo Hòa Hảo (Cụ Lê Quang Liêm) và Công Giáo (Linh Mục Nguyễn Văn Lý) gặp nhau tại Huế để bàn thảo về sự ra đời của Ủy ban liên tôn đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Việt Nam vào tháng 2-2001 là một nỗ lực mang tính cách lịch sử của việc liên kết giữa các tôn giáo trong thời kỳ này. Theo dự tính của quý Ngài thì Ủy ban liên tôn sẽ ra mắt trong dịp Tăng Đoàn Phật Giáo Thừa Thiên - Huế tổ chức Tuần Lễ Cầu Nguyện Hòa Bình Cho Thiên Niên Kỷ Mới tại Tổ Đình Từ Hiếu từ ngày 8 đến 14-2-2001. Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ nói trên, CSVN đã ra lệnh quản chế cụ Lê Quang Liêm, trấn áp và ngăn chận mọi nỗ lực liên lạc của Linh Mục Nguyễn Văn Lý nên Ủy ban liên tôn đã không thể thành hình.

Phan Văn Khải tiếp Hòa Thượng Thích Huyền Quang tại dinh Thủ tướng
và ông Khải xin Ngài “từ bi hủ xả” những sai lầm mà chế độ đã gây ra cho Ngài.
3/ Đặc biệt hơn nữa là cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phan Văn Khải với Hòa Thượng Thích Huyền Quang, xử lý thường vụ Viện tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại dinh Thủ tướng vào ngày 2/4/2003. Trong cuộc hội kiến này, Phan Văn Khải đã thừa nhận một số sai lầm trong quá khứ đối với Giáo Hội và mong sự từ bi hỷ xả của Hòa Thượng. Cuộc hội kiến này đã tạo một bước tiến mới đối với các nỗ lực đấu tranh của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất nói riêng và của các tôn giáo nói chung. Đó là sự khởi đầu cuộc vận động phục hoạt của các Giáo Hội và đẩy mạnh phong trào đòi tự do tín ngưỡng trên cả nước.

Sau đó, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất công khai tổ chức đại hội tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định vào ngày 1/10/2003 để suy cử đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang lên ngôi vị Đệ Tứ Tăng Thống, đồng thời tái đề cử nhân sự trong Hội đồng lưỡng viện mà không xin phép chế độ. Mặc dù CSVN đã dùng bạo lực trấn áp các vị lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất từ sau sự biến Lương Sơn (xảy ra ngày 9/10/2003) như ra lệnh quản chế nghiêm ngặt, ngăn chận các chuyến đi thăm viếng giữa các vị lãnh đạo Giáo Hội, kể cả việc cản trở những tiếp xúc thăm hỏi của một số vị chính giới ngoại quốc... nhưng Hà Nội đã không thể nào ngăn cản được sự phát triển hạ tầng cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất.

Trong khi đó, từ những nỗ lực đấu tranh đơn lẻ của từng cá nhân, các nhà đối kháng như các ông Trần Độ, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Hoàng Minh Chính, Hoàng Tiến, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, ông Trần Dũng Tiến... đã đứng tên chung trong những kiến nghị gửi cho nhà cầm quyền Hà Nội hay liên kết thành lập những hội như Hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng, Hội Dân Chủ thể hiện các hành động đấu tranh công khai với chế độ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét